Chủ Động - Bí Kíp Của Thành Công

Chủ Động - Bí Kíp Của Thành Công

Năm năm trước, khi đang ở độ tuổi 26-27 mình có nhiệt tình, có kiến thức, có kỹ năng nhưng duy nhất thứ mình không có, đó là sự chủ động.

Lý do là gì?

Năm 2016, lúc đó mình đang là team lead của f500 (một đơn vị trong FSoft). Thời đó khó khăn, dự án không về, f500 có nguy cơ giải thể. Thời điểm đó team của mình có 3 người, mình chán nản vô cùng và không tập trung làm việc. Một ngày, leader của mình gọi mình ra tâm sự. Hôm đó 2 anh em tâm sự khá dài về tương lai, kế hoạch, về sự sa sút của mình, nhưng cuối cùng anh ấy bảo: "em thiếu thứ lớn nhất để thành công, đó là sự chủ động"
 
Hôm đó về mình suy nghĩ mãi. Rõ ràng mình khá năng nổ, chủ động mà vẫn bị chê. Mình gặng hỏi mãi mình thiếu như thế nào, anh ấy bảo mình đọc cuốn sách "7 thói quen để thành đạt". Ngay hôm sau mình đọc cuốn sách này, liên tục trong 18h. Đại khái có 7 thói quen, chủ động là thói quen 1, cả 7 thói quen đều ngon nhưng chỉ cần học và hiểu cặn kẽ, thực hành thói quen 1 (chương 1) là đã vô cùng thành công.

Sự chủ động bắt đầu từ tư duy

Đại khái tư duy chủ động khác hẳn tư duy bị động. Cảm xúc có thể điều phối và thay đổi từ tư duy, nhận thức.
Lấy ví dụ, chúng ta bị sếp mắng. Tư duy bị động cho ta thấy ta nhận sự trách mắng, là việc ngoài ý muốn, khiến chúng ta bi quan, buồn bã. Tư duy chủ động thì ngược lại, chúng ta sẽ cảm thấy ta bị mắng vì ta cố tình muốn tiếp thu kiến thức, vì ta xứng đáng nhận sự trách mắng, vì ta chọn sự trách mắng, từ đó thấy vui vẻ và hạnh phúc (vì đạt đc mục tiêu). Do đó, tư duy sẽ làm thay đổi cảm xúc của chúng ta trong sự việc này (bị động sang chủ động, buồn bã sang vui vẻ)
 
Bản chất sự việc xảy ra kết quả ko thay đổi, quan trọng bạn nhìn nhận sự việc ntn. Bạn cũng ko cần phải kìm nén cảm xúc (kiểu buồn thì cứ buồn, vui thì cứ vui), nhưng nên thay đổi tư duy từ bị động sang chủ động, từ bi quan sang lạc quan, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống vô cùng vui vẻ.

Tại sao tư duy chủ động khiến ta thành công?

Lấy ví dụ bạn đi làm mỗi ngày. Nếu với tư duy bị động, bạn cho rằng đi làm là nghĩa vụ, là bắt buộc, bạn sẽ không vui, không muốn làm. Ngược lại, nếu bạn cho rằng bạn được đi làm, đi làm là niềm vui, là sự lựa chọn của bạn, là do bạn muốn như vậy, thì chắc chắn bạn sẽ có nhiều năng lượng để làm việc và tạo ra nhiều giá trị. Tư duy chủ động còn có thể hiểu là tinh thần lạc quan, tư duy tích cực,...
 
Sau khi rèn tư duy chủ động, bạn cần rèn thói quen chủ động. Tức là nghĩ đi đôi với làm ấy. Nó giống kiểu bạn nghĩ thì rất là tích cực, rất là chủ động, nhưng bạn lại không làm. Vậy thì vứt đi. Muốn tán gái mà không có hành động thì thằng khác nó tán hộ luôn rồi.
 
Thói quen chủ động nên rèn luyện, tới mức trở thành phản xạ. Thành phản xạ rồi bạn sẽ là người chủ động. Khi bạn gặp khó khăn, thay vì ngồi kệ mẹ nó (bị động), thì bạn học cách đi hỏi thằng khác. Hỏi 1 lần 2 lần thì ngại, tới lần 20 thì hết ngại và thành thói quen.
 
Lấy ví dụ bạn muốn làm lãnh đạo, thay vì bạn ngồi ị ra đó chờ thời cơ, chờ lãnh đạo chỉ đạo, thì bạn phấn đấu chủ động gặp lãnh đạo để xin cơ hội. Xin 1 lần không ok, 2 lần không ok, tới 20 lần thì chắc cũng đc vì lãnh đạo thấy bạn lỳ đòn.
Người chủ động là người làm chủ hoàn cảnh, chi phối hoàn cảnh và đón nhận đc mọi tình huống, ko trở thành nạn nhân của hoàn cảnh

Mình đã thực hành như thế nào?

  • Đầu tiên sau khi đọc xong cuốn sách đó, mình chủ động đi học khóa SA (Solution Architect) và sau đó rèn kĩ năng thuyết trình, làm slide.
  • Năm 2017 mình chủ động đi dạy học cho comtor và đi thuyết trình trước 200 người (không ai ép hay mời, là mình phải liên hệ để người ta cho mình đi, khác với bây giờ)
  • Năm 2018, mình chủ động liên hệ với báo, muốn được pr lên báo. Cũng năm 2018 mình chủ động đề xuất lên a Khắc tổ chức thi codewar, đề xuất a Hòa làm codelearn và được đồng ý.
  • Năm 2019, chủ động gửi mail hiến kế cho anh Khoa và anh Bình. Sau sự việc, được 2 anh ấy để ý và sau này thường xuyên nói chuyện... và còn rất nhiều việc chủ động khác.

Các biểu hiện không chủ động là gì?

1. Không chủ động học thêm kiến thức
2. Không chủ động hỏi. Gặp vấn đề cứ kệ để đó.
3. Không chủ động công việc, thường là phải có giao mới làm. Kiểu như là phải có team lead giao việc mới biết là cần làm gì, còn
4. Không chủ động suy nghĩ về công việc, tương lai, cơ hội, ....
5. Không chủ động theo dõi tình hình công việc, kế hoạch của tổ chức, chờ thông báo mới nắm được hoặc phải nhắc mấy chục lần vẫn "ơ thế à"

Tạm kết

Người chủ động trong công việc sẽ tự làm mọi việc mà mình cho là đúng (và lâu dần sẽ thành đúng), khi hết việc tự nghĩ ra mà làm, hoặc chủ động hỏi lãnh đạo là tao cần làm gì, làm như thế nào
Người bị động sẽ ngồi chờ, ai giao việc thì làm, ko giao việc thì thôi. Người bị động sẽ giống 1 con rối, phải giật dây mới biết mình cần làm gì và sẽ ko thể phá vỡ được giới hạn
 
Hi vọng sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn khác, thay đổi tư duy, xác định được điều quan trọng cần làm, chủ động trong công việc và cuộc sống, sớm muộn gì cũng sẽ thành công.