Ngôn ngữ lập trình có phải là tất cả đối với Developer?

Ngôn ngữ lập trình có phải là tất cả đối với Developer?

Có đến hàng trăm câu hỏi mà các bạn thắc mắc, đó là: “Giờ em chọn ngôn ngữ nào để học anh nhỉ? Học ngôn ngữ đó liệu sau ra trường có đi làm được không? Có xin được việc không? Lương có cao không? Liệu nó có hết HOT sau vài năm nữa không? Công việc có lâu dài không? Vân vân và mây mây...”

Đối với mình, học lập trình không phải ngày một ngày hai. Hiểu và lựa chọn ngôn ngữ mình muốn theo đuổi là rất quan trọng. Ngôn ngữ lập trình là điều kiện tiên quyết để bắt đầu, nhưng mình chắc chắn rằng, đó không phải là tất cả.

Để bước đi lâu dài và bền vững trên con đường lập trình thênh thang, không lạc lối trong ma trận công nghệ, và đặc biệt kiến tạo được cho bản thân một sự nghiệp lâu dài với thu nhập như ý, mình và các bạn sẽ cùng phân tích 3 câu hỏi sau:

  1. Học lập trình là học học cái gì? 
  2. Học lập trình thì học như thế nào và chọn ngôn ngữ nào để học?
  3. Lập trình viên giỏi bền vững, làm như thế nào?

Học lập trình là học cái gì?

Hiểu nôm na thì học lập trình là học viết các chương trình phần mềm máy tính để giải quyết một hoặc nhiều bài toán phục vụ cho mục đích cụ thể nào đó. Người viết ra những chương trình phần mềm đó là Lập trình viên.

Chọn ngôn ngữ nào để học đây?

Quay trở lại hồi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường và quay lại với môn Toán chẳng hạn, khi thầy cô ra một đề bài toán, chúng ta sẽ giải quyết nó như thế nào nhỉ? Có phải đầu tiên chúng ta sẽ suy nghĩ và tìm cách giải để có được đáp án, tiếp đến nếu có thời gian sẽ tìm những cách tối ưu để giúp giải nhanh. Tương tự như học toán, học lập trình cũng chính là học cách giải các bài toán, khác ở chỗ giải toán mình dùng giấy bút còn học lập trình là mình mô tả cách giải bài toán bằng ngôn ngữ lập trình để máy tính hiểu và thực hiện theo ý muốn của mình. Vì thế mà chúng ta phải học ngôn ngữ lập trình là thế.

Trích dẫn định nghĩa về ngôn ngữ lập trình cho các bạn hiểu rõ hơn: “Ngôn ngữ lập trình là một tập con của ngôn ngữ máy tính, được thiết kế và chuẩn hóa để truyền các chỉ thị cho các máy có bộ xử lý, nói riêng là máy tính. Ngôn ngữ lập trình được dùng để lập trình máy tính, tạo ra các chương trình máy nhằm mục đích điều khiển máy tính hoặc mô tả các thuật toán để người khác đọc hiểu.”

Giờ chọn ngôn ngữ để học, mình sẽ giới thiệu qua cho các bạn những ngôn ngữ phổ biến để có thể bắt đầu.

Mỗi ngôn ngữ thì đều có cú pháp và những quy tắc riêng, bạn sử dụng ngôn ngữ nào thì phải tuân thủ những cú pháp mà bản thân ngôn ngữ đó quy định.  Lựa chọn ngôn ngữ nào sẽ quyết định con đường bạn đi sau này.

Những ngôn ngữ phổ biến hiện nay: C, Java, Python, Javascript,...

  • C: Học ngôn ngữ C sẽ cho bạn cách viết code hiệu quả và rất bài bản.
  • Java: Được xem là ngôn ngữ thiết thực nhất để học.
  • Python: Được gợi ý cho người mới bắt đầu vì tính đơn giản và những khả năng tuyệt vời của nó.
  • Javascript: Dành cho những bạn có đam mê và muốn nhảy ngay vào để xây dựng những trang web.

Lập trình viên giỏi bền vững, làm như thế nào?

Trong thời đại thế giới phẳng, vạn vật kết nối, hãy luôn xác định giá trị của mình là Lập trình viên quốc tế, tìm kiếm và mở rộng cơ hội cho bản thân. Đừng giới hạn phạm vi và năng lực của mình, hơn nữa trong bối cảnh nguồn nhân lực CNTT đang thiếu hụt như hiện nay, con đường càng thêm thênh thang và rộng mở. 

Đi con đường này liệu có bền vững? Bền hay không là do sự nỗ lực của mỗi người. Kiên trì theo đuổi đam mê, phát triển bản thân, cống hiến giá trị của mình, chắc chắn sẽ có kết quả.

Cụ thể hơn, bạn cần xác định rõ lộ trình sẽ đi và kết quả nhận được. Dưới đây là vài ý kiến chủ quan của cá nhân mình về con đường này.

  • Định hướng: Trước khi bắt đầu bạn nên tìm hiểu và định hướng để bản thân có được sự trải nghiệm và kiểm chứng đam mê. Sợ nhất kiểu đẽo cày giữa đường. Lúc này thấy hot java, học java. Lúc kia hot python, học python. Hãy nhớ rằng, mỗi công việc đều có những yêu cầu và kỹ năng để đáp ứng và phù hợp với công việc đó. Hơn nữa, hãy học theo lộ trình, phải có khung thì mới bồi đắp được.

    - Lập trình viên Back-end (Server-side): Thường sử dụng một trong số các ngôn ngữ sau đây: Python, Ruby, PHP, Java hoặc .NET. Có kiến thức về database. Có thể cần thêm một số kiến thức về quản trị hệ thống.

    - Lập trình viên Front-end (Client-side): Yêu cầu kiến thức về HTML, CSS, JavaScript và có thể cần thêm một số kỹ năng về thiết kế.

    - Lập trình viên mobile: Objective-C hoặc Java (cho Android). HTML/CSS cho các website mobile. Có thể cần thêm một số kiến thức về Server-side.

    - Lập trình viên về Games/3D: C/C++, OpenGL, Animation. Có thể cần thêm năng khiếu về mỹ thuật.

    - Lập trình viên phát triển các phần mềm cần tốc độ xử lý cao High-Performance (phần mềm trong Thị trường Chứng khoán…): C/C++, Java. Có thể cần thêm nền tảng về kiến thức toán học và khả năng phân tích định lượng tốt.

  • Tự học: Vừa chủ động, vừa tiết kiệm, lại tối ưu được thời gian. Bất kể đang làm gì, ở đâu, chỉ cần có một chiếc máy tính hoặc điện thoại nối mạng là  có thể học cả thế giới, sợ không đủ sức thôi. Nhưng hãy chắt lọc thông tin và tìm kiếm tài nguyên ở những nơi uy tín. Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên về việc tự học hoặc tìm hiểu bí kíp trở thành một lập trình viên giỏi

  • Tìm kiếm cơ hội: Song song với việc học tập, hãy tìm kiếm các cơ hội thực tập/làm việc ở các công ty, không cần phân biệt lớn nhỏ, chỉ cần có đất cho bạn cày xới. Thực hành sẽ cho bạn nhiều thứ hơn là ngồi học lý thuyết suông.

  • Rèn luyện tư duy logic: Logic là điều quan trọng nhất trong lập trình. Bạn phải có đủ nhạy bén, linh hoạt và khả năng phán xét cao để giải quyết một vấn đề triệt để bằng phương pháp logic. Bạn nên tạo thói quen và rèn luyện để tăng khả năng tư duy logic, luyện code hàng ngày qua các dạng bài tập, điều này giúp bạn có thể nhanh chóng đưa ra hướng giải quyết cho một bài toán hoặc gỡ rối cho những vướng mắc không đáng có.
    • Học tiếng Anh: Nếu hỏi 10 người về bí kíp thành lập trình viên giỏi, thì 11 người sẽ khuyên bạn học tiếng Anh. Đi đường dài là phải có bài. Lập trình viên ở Việt Nam hay nước ngoài thì cũng phải sử dụng tiếng Anh. Vừa là để code, vừa tốt cho giao tiếp trong nhóm, trong môi trường nước ngoài. Lập trình viên quốc tế cơ mà.
    • Kết bạn, giao lưu và học người giỏi hơn: Đừng nghĩ đó là lợi dụng, việc kết bạn giao lưu và học hỏi giúp bạn mở rộng mối quan hệ xã hội là cái trước tiên. Tiếp đó, lắng nghe chia sẻ của những người đi trước hoặc có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mình theo đuổi sẽ giúp mình có cái nhìn tổng quan hơn và tạo thêm cho mình động lực để theo đuổi con đường ấy.

    Cuối cùng

    Ngôn ngữ lập trình sẽ không quyết định để bạn trở thành một lập trình viên giỏi, ngôn ngữ chỉ là công cụ giúp bạn giao tiếp được với máy tính. Khi bạn được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, thì việc trở thành một lập trình viên quốc tế sẽ không phải là thách thức nữa.

    Câu nói mình rất tâm đắc về câu chuyện lập trình viên toàn cầu ấy là phải cầu toàn. Phát triển bản thân toàn diện, học nhiều đọc nhiều, gặp gỡ nhiều người để tích lũy kinh nghiệm.

    Chúc các lập trình viên tương lai tự tin và vững bước trên con đường mang công nghệ phục vụ cuộc sống!