Pomodoro - Chiếc Hộp Thần Kì Cho Lập Trình Viên

Pomodoro - Chiếc Hộp Thần Kì Cho Lập Trình Viên

"Tập trung - Năng suất - Quản lý thời gian tốt". Chính là những điều kiện tiên quyết, nhất là đối với lập trình viên, khi tham gia vào những dự án bất kể lớn hay nhỏ. Chỉ cần làm chủ được 3 yếu tố trên bạn hoàn toàn có thể hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn cả tiếng đồng hồ, thậm chí là vài ngày với một kết quả tốt. Chưa hết, việc huy động đủ những nguồn lực trên còn giúp bạn giải quyết những vấn đề phát sinh nhanh hơn. 

Lý thuyết là vậy. Chứ thực tế thì rất nhiều bạn không thể làm chủ được 3 yếu tố "cốt lõi" kia. Dẫu cho rất quyết tâm bỏ cái “thói quen” 15 phút là mở cái tab facebook lên, mang điện thoại ra "check" một lần thì sau vài hôm lại bỏ buộc. Nhất là phải ngồi viết hàng ngàn dòng code trong những dự án lâu dài và phức tạp.

Tin vui dành cho bạn là mình đã tình cờ biết đến một chiếc hộp tuyệt vời! Ẩn chứa những điều trên, giúp bạn duy trì sự tập trung và làm việc năng suất trong khoảng thời gian dài. Và chiếc hộp ấy mang tên "Pomodoro" 

1. Pomodoro là gì? Tại sao nó lại chứa nhiều thứ quan trọng đến vậy?

Pomodoro là một phương pháp quản lý thời gian được phát triển bởi Francesco Cirillo (CEO của 1 công ty phần mềm người Italia) vào cuối năm 1980. Khi còn là sinh viên ông đã nhận thấy sự tập trung của mình thường giảm mạnh sau 1 khoảng thời gian và khi đó rất khó để giải quyết các vấn đề tiếp. Sau đó, Francesco Cirillo đưa ra giải pháp nghỉ ngắn giữa các phiên làm việc thay vì làm việc 1 thời gian dài liên tục. Ông thay đổi cách thức làm việc (học tập) với mức tập trung cao trong thời gian 25 phút sau đó nghỉ ngắn 5 phút. Khi hết thời gian nghỉ ngắn thì lại bắt đầu 1 phiên làm việc 25 phút mới. Mỗi phiên làm việc như vậy được Francesco Cirillo gọi là 1 Pomodoro. 

Kết quả là phương pháp này đã phát huy tác dụng! Nhưng... tại sao nó lại có hiệu quả?

Hãy tìm hiểu một chút, bộ não của chúng ta không được thiết kế để hoạt động với 100% công suất cả ngày. Vì thế mà việc tập trung trong một thời gian kéo dài sẽ khiến trí não của bạn "mệt mỏi", tư tưởng của bạn sẽ dần bị phân tâm vào những thứ khác thú vị hơn, ít phải động não hơn. Đó chính là lúc khả năng giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định hay tính sáng tạo giảm đi. Chưa hết, khi bạn đứng trước một to-do-list "dài cả mét", một cách tự nhiên bạn sẽ tự hạn chế thời nghỉ ngơi của bản thân và giành thời gian làm việc nhiều hơn. Tuy thế, cách làm này lại khiến cho "não bộ" của bạn rơi vào trạng thái "quá tải".

Như vậy, nếu chúng ta có một chiến lược rõ ràng trong làm việc và nghỉ ngơi, thì việc giải quyết cả "núi" công việc trong trạng thái tập trung và hiệu suất cao là điều hoàn toàn có thể. Giờ hãy làm một phép tính nhỏ: Cứ 1 pomodoro = 25 phút. Nếu mỗi ngày mình phấn đấu làm được ít nhất 10-15 Pomodoro thì ngày hôm đó mình có 250 phút (hơn 4 tiếng) làm việc tập trung. Quả là một điều tuyệt!

2. Các bước thực hiện kỹ thuật Pomodoro?

Bước 1: Lên kế hoạch & Ước lượng thời gian hoành thành công việc: 

Điều đầu tiên bạn cần đó là có một mục tiêu và kế hoạch cụ thể, rõ ràng các công việc cần làm. Hãy lấy một tờ giấy và cây bút ra để lên một to-do-list thôi nào! 

Hãy lập một to-do-list với những tiêu chí trên nhé!

Đợi đã!!! nếu bạn đang bắt đầu một dự án thì lời khuyên của mình là hãy chia nhỏ các "tác vụ" trong dự án ra. Hoặc đối với các dự án nhỏ thì bạn có thể phân tách giữa các phần "phát triển", "phân tích" và "kiểm thử". Mục đích cuối cùng là có thể quản lý các tác vụ một cách dễ dàng hơn nhé. Đây là một ví dụ về cách mình chia dự án 

Sau khi đã lập xong một danh sách những điều cần làm rồi thì giờ là giai đoạn thú vị hơn đây. Đối với những người mới bắt đầu thì sẽ cảm thấy tương đối khó, nhưng không sao, cứ làm nhiều rồi bạn sẽ quen thôi. Đó là ước lượng số thời gian cần bỏ ra để hoàn thành công việc đó. Mới đầu bạn sẽ rất dễ "ảo tưởng" tốc độ làm việc của mình. Mình từng nghĩ rằng bài viết đầu tiên của mình trên Codelearn sẽ chỉ mất 2 pomodoro thôi. Nhưng kết quả là nó mất đến 4 pomodoro của mình!

Ước lượng thời gian công việc tương đối quan trọng vì chỉ cần 1 task bị delay là bạn kế hoạch của bạn sẽ bị dồn lại theo từng ngày. Một mẹo nhỏ cho các bạn là hãy cứ ước lượng đi rồi nhân 2 số thời gian đó lên. 

Bước 2: Hoàn thành xong bước 1 thì bạn hãy dành trọn vẹn sự tập trung, năng lượng và sự chú ý của mình cho nhiệm vụ đó.

Bước 3: Đặt Pomodoro 25 phút (với công cụ đếm giờ hoặc ứng dụng pomodoro). Hãy tự nhủ "Tôi sẽ dành 25 phút cho nhiệm vụ này và sẽ không bị gián đoạn”.

Bước 4: Hoàn thành nhiệm vụ cho đến khi đồng hồ bấm giờ kêu.

Bước 5: Khi hoàn thành 1 Pomodoro hãy đánh dấu vào giấy hoặc bản theo dõi: Chúc mừng bạn đã dành thời gian trọn vẹn cho một nhiệm vụ mà không bị gián đoạn.

Bước 6: Giải lao ngắn khoảng 5 phút. Hãy thực sự tận hưởng khoảng thời gian này.

Bước 7: Sau khi hoàn thành 4 Pomodoro, hãy giải lao dài (20 phút). Đây là khoảng thời gian bạn xứng đáng được hưởng.

Những lưu ý khi thực hiện:

  1. Khoảng thời gian cho một Pomodoro thường là 25 phút, tuy nhiên khi đã thành thạo kỹ thuật này bạn có thể cài đặt Pomodoro trong vòng 15 – 30 phút tùy theo nhu cầu cá nhân.
  2. Trong 1 Pomodoro, nếu bạn buộc phải gián đoạn thì Pomodoro sẽ được tính lại từ đầu. Không có 1/2 hay 2/3 Pomodoro.
  3. Chỉ tập trung làm 1 việc duy nhất với 100% thời gian.
  4. Nếu công việc xong trước khi Pomodoro kết thúc, bạn cần dùng thời gian còn lại để kiểm tra và tối ưu hóa công việc cho đến hết Pomodoro đó.
  5. Trong các khoảng thời gian nghỉ, bạn cần phải nghỉ ngơi thực sự. Làm những việc đơn giản không cần động não nhiều.

3. Vài "bí kíp" nhỏ để bạn áp dụng Pomodoro hiệu quả hơn

"Vạn sự khởi đầu nan" - không có cái gì mới mà lại dễ dàng cả. Với tư cách "người đi trước" mình sẽ chia sẻ cho các bạn cách giải quyết một vài khó khăn mà bạn có thể gặp phải.

Đang làm việc tập trung thì nghĩ vẩn vơ đến chuyện khác. 

Ví dụ, nếu mình vừa code xong một cái function, thì bỗng nhiên nghĩ đến việc trưa nay ăn gì?;Mình vừa upload một cái status trên Facebook không biết có ai like hay comment chưa ta? Theo lẽ thông thường, mình sẽ lên Google tìm xem trưa nay ăn gì hoặc lên Facebook thả tim rồi comment qua lại một lúc. Như thế là mất tập trung rồi đấy!

Giải pháp của mình là đặt bên cạnh một cuốn sổ và cây bút. Mỗi lần nghĩ vẩn vơ thì mình ghi cái suy nghĩ đó ra giấy, tự nhủ là ghi ra để nhớ, tí đến lúc nghỉ ngơi thì giải quyết sau, sau đấy tập trung tiếp vào công việc.

Đang "chìm đắm" trong Pomodoro mà bị làm phiền thì sao?

Những vấn đề gây phiền nhiễu khi thực hiện Pomodoro là điều không thể tránh khỏi. Thỉnh thoảng có những việc bạn cần phải chú ý và xử lý ngay lập tức. Đó có thể là một người bạn của bạn đang cần xử lý một vấn đề với phần mềm mới cài. 

Và chiến lược của Cirillo đề xuất đó là: "inform, negotiate, schedule and call back"

  • Inform: Thông báo cho đối phương biết là họ đang làm bạn bị xao nhãng.
  • Negotiate: Thương lượng với đối phương về thời gian bạn sẽ dành để xử lý, giải quyết vấn đề họ đưa ra. Ví dụ: "Bạn vui lòng chờ tôi 20 phút nữa".
  • Schedule: Có kế hoạch follow-up ngay lập tức.
  • Call back: Quay lại với vấn đề của đối phương ngay khi bạn đã sẵn sàng để xử lý nó hoặc khi đã hoàn thành Pomodoro.

Thời gian giải lao bạn nên làm gì?

  • Massage nhẹ nhàng cho cổ, vai, mặt, v.v..
  • Thực hành các bài tập vận động nhẹ tại chỗ.
  • Hát vang một bài hát bạn thích (nếu có không gian riêng tư).
  • Đứng lên đi uống nước hay tự pha cho mình một ly cafe.
  • Ăn một chút đồ ăn nhẹ, ví như hoa quả…

Quan trọng nhất trong thời gian giải lao là bạn hãy tận hưởng nó thật trọn vẹn. Hãy di chuyển ra khỏi chỗ ngồi và ... vận động!

4. Một số ứng dụng giúp bạn thực hiện Pomodoro

Forest - Ứng dụng Trồng cây áp dụng kĩ thuật Pomodoro.

       

Focus to do – Pomodoro Timer & To Do List

    

Là hai trong số khá nhiều ứng dụng mà mình thấy thực sự thích vì tính tiện lợi, đáp ứng tố như cầu cộng thêm giao diện đẹp, ý tưởng hay:

  • Với mỗi 25 phút mà bạn hoàn thành công việc của mình thì bạn sẽ trồng được 1 cây xanh.
  • Nếu trong thời gian 25 phút làm việc mà bạn bị ngắt quãng thì cây xanh sẽ bị chết.

Bạn cũng có thể điều chỉnh khoảng thời gian theo ý thích, âm thanh thông báo, xem lại lịch sử làm việc… Hai ứng dụng này cũng cung cấp một hệ thống phân tích, đánh giá hiệu quả công việc để tạo động lực cố gắng cho bạn. Hiện tại, Forest Focus to do đều có trên nhiều nền tảng: máy tính, điện thoại, iPad… và có thể đồng bộ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau. Cá nhân mình thì thích Focus to do hơn vì nó có mục "Add a Task – To do List" để các bạn lên kế hoạch.

Chúc các bạn áp dụng thành công và sở hữu trọn vẹn "chiếc hộp thần kì" này nhé!

Tham khảo