Ưu Nhược Điểm Của Python So Với C# và Java?
Python chắc hẳn đã là một cái tên quá đỗi quen thuộc đối với bất cứ ai ưa thích lập trình và đam mê công nghệ. Là một ngôn ngữ thông dịch cấp cao với cú pháp đơn giản, dễ hiểu và rõ ràng, Python dường như đã trở thành “ông trùm” của bảng xếp hạng các ngôn ngữ lập trình khi trong những năm gần đây nó liên tục đứng top đầu với khả năng đánh bật những đối thủ nặng ký khác.
Mặc dù phát triển và lớn mạnh dần theo thời gian là thế song nếu đứng ở một góc độ khác để nhìn lại thì vẫn còn có những điểm thiếu sót khác khi lập trình với Python.
Chính vì vậy mà hôm nay mình sẽ đưa ra những ưu và nhược điểm của ngôn ngữ lập trình này so với hai đối thủ tiềm năng khác là C# và Java để các bạn có thể tùy cơ ứng biến trong quá trình lựa chọn và sử dụng cho phù hợp nhé.
Cùng bắt đầu thôi nào~.
1.Python vs Java
Ngôn ngữ nào là phù hợp nhất với bạn?
Có thể thấy cả Java lẫn Python đều là những ngôn ngữ phổ biến và được sử dụng nhiều nhất, và theo thống kê gần đây của cộng đồng lập trình TIOBE Index thì ở một vài mặt nào đó mà Java lại được sử dụng nhiều hơn Python. Trên thực tế thì các lập trình viên đều có thể sử dụng cả hai ngôn ngữ này cho việc tạo ra các ứng dụng desktop và web, hoặc vip hơn nữa là ứng dụng chúng cho khoa học dữ liệu và machine learning.
Ưu điểm của Python so với Java
- Dễ dàng cho người mới bắt đầu: So với Java với đống cú pháp lằng nhằng, khó hiểu và phải học cẩn thận từng bước một từ khái niệm đối tượng, thực thể, thuộc tính cho đến các bước như khai báo, sử dụng cú pháp hay kế thừa, v.v… thì Python lại là một ngôn ngữ nổi tiếng với sự dễ đọc, chính xác và đơn giản hơn. Việc cài đặt cũng rất dễ dàng, bạn không cần phải xử lý bất kỳ vấn đề về đường dẫn nào như trong lập trình Java.
- Dễ bảo trì: Nhiều lập trình viên chuộng Python hơn vì nó tránh được việc viết thêm những dòng code không cần thiết và luôn giữ cho việc bảo trì phần mềm được hiệu quả. Còn Java thì ngược lại, cứ mỗi một version của nó lại có thêm hàng tá tính năng mới khiến các lập trình viên cần phải bỏ ra kha khá nhiều thời gian để học hỏi thêm và giữ cho code được tổ chức và duy trì một cách hợp lý.
- Hỗ trợ đa dạng: Mặc dù cả hai đều hỗ trợ tương đối khá nhiều những mô hình lập trình phổ biến nhưng với Python, bên cạnh việc là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng, nó còn hỗ trợ thêm cả mô hình lập trình thủ tục (procedural programming), lập trình hàm (functional programming) và tính chất Imperative. Trong khi Java vốn dĩ được sinh ra lại là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng mang tính đồng thời (concurrent) và dựa trên class.
- Nhanh: Điểm mạnh thứ hai không thể không kể đến là Python nhanh hơn trong việc prototype, và nó cũng là một ngôn ngữ lập trình giúp bạn có thể debug hay phát triển nhanh hơn với những ứng dụng không quá lớn.
- Thư viện khổng lồ: Kho thư viện khổng lồ với hơn 130000 packages từ giao diện, multimedia, cơ sở dữ liệu, cho đến việc xử lý hình ảnh, xử lý văn bản, tính toán khoa học… của Python chính là một trong những lý do khiến nó luôn đứng đầu bảng xếp hạng. Java cũng có một số lượng không nhỏ các thư viện đấy nhưng nếu đem ra so sánh với Python thì … hừm… chắc bạn cũng đã biết ai sẽ là đứa thua cuộc rồi nhỉ ?
- Ứng dụng cao: So với Java, Python có khả năng ứng dụng mạnh mẽ và tốt hơn rất nhiều trong khoa học dữ liệu và Machine Learning. Hầu như các dự án AI, Big Data hay tính toán khoa học đều được các doanh nghiệp sử dụng Python.
- Mô hình hỗ trợ hiệu quả: Sở hữu những mô hình, kiến trúc đầy quyền lực như yield, decorators, v.v.. mà Java không có. Những mô hình này giúp lập trình viên diễn đạt những phép tính toán logic phức tạp ở một cách đơn giản và thông minh hơn.
- Cung cấp các framework bất đồng bộ đơn giản và mạnh mẽ đẻ phát triển các dịch vụ backend mở rộng.
- Giúp lập trình viên có thể tái cấu trúc một cách tự động (automate refactoring) bằng cách tận dụng những tính năng của hệ thống kiểu động
- Không cần phải biên dịch code trước khi chạy, trình thông dịch sẽ thực thi nó một cách nhanh chóng và chính xác, và bạn cũng có thể sử dụng shell tương tác để thử, khám phá và thử nghiệm khi code với Python.
- Trong những năm gần đây, Python còn là xương sống không thể thiếu của IoT. Thực tế thì từ Pi trong Raspberry Pi tượng trưng cho Python.
Nhược điểm của Python so với Java
- Không có khả năng mở rộng và quản lý tốt như Java khi làm việc với các dự án lớn. Ý của mình ở đây là những dự án “100 000 dòng code của Java” thay vì “1000 dòng code như Python” được sử dụng cho các cấu trúc dữ liệu và dịch vụ phức tạp.
- IDE hạn chế: Java có các công cụ hỗ trợ lập trình cực kỳ tốt, giúp tăng năng suất và chất lượng công việc của các lập trình viên hơn so với Python (trong đó NetBeans và Eclipse là hai IDE phổ biến nhất hỗ trợ lập trình Java, bạn cũng có thể tham khảo thêm các plugin khác hỗ trợ cho việc code ngôn ngữ này như Greenfoot, Codenvy, v.v….). Còn Python thì khá khó để bạn có thể tìm được một IDE tốt để triển khai
- Hiệu suất thấp: Về hiệu suất thì Java lại chiếm ưu thế hơn so với Python nhờ có trình biên dịch JIT và JVM (Java Virtual Machine) cũng như việc nó có thể hỗ trợ các phần mềm ứng dụng chạy nhanh hơn nhờ tính đồng thời (concurrency).
- Python không phải là một lựa chọn tốt cho những thuật toán chuyên sâu về CPU, cũng như những phần mềm cơ sở hạ tầng cần mở rộng như chat server….
- Python không thể sánh bằng Java ở khả năng build các app và games trên nền tảng Android. Tất nhiên bạn cũng có thể dùng ngôn ngữ này để build các ứng dụng tương tự nhưng có lẽ sẽ cần nhiều thời gian, nỗ lực và công sức hơn để có được một app build bằng Python.
- Vì là một ngôn ngữ đánh máy tĩnh nên Java nhanh hơn các ngôn ngữ đánh máy tự động như Python bởi vì mọi thứ được xác định rõ ràng hơn. Do đó, khi ứng dụng đang chạy, tài nguyên máy của bạn sẽ không bị lãng phí khi kiểm tra định nghĩa một cái gì đó trong code của bạn.
Có thể thấy cả hai ngôn ngữ bậc nhất như Java và Python đều rất hữu ích và đa năng. Việc hiểu được ưu và nhược điểm của Python so với Java chắc chắn sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong việc lựa chọn ngôn ngữ nào là phù hợp cho các dự án trong tương lai.
Nhưng như thế thôi thì chưa đủ….
2. Python vs C#
Trong số những đối thủ nặng kí khác của Python, C# (CSharp) cũng là một nhân tố tiềm năng đáng được nhắc đến - một ngôn ngữ mạnh mẽ và gần gũi với họ hàng C/C++, nhưng lại thân thiện và dễ dùng hơn nhiều. Nếu chỉ so sánh Python với Java thì có lẽ vẫn còn gì đó còn thiếu sót, chính vì vậy mà mình sẽ tiếp tục bài viết này với những so sánh giữa Python và C# để mọi người có thể hiểu rõ hơn về hai đứa nó nhé!
Ưu và Nhược Điểm Của Python với C#: Ngôn ngữ nào toàn năng hơn?
Giống như Java, C# cũng là một trong những ngôn ngữ lập trình được yêu thích nhất năm 2020. Dù cả Python và C# đều dựa trên concept OOP, dễ đọc, dễ viết, phát triển nhanh và performance tốt song giữa chúng vẫn tồn tại những điểm khác biệt, cũng như có những ưu và nhược điểm riêng.
Ưu điểm của Python so với C#:
- Vì Python là một ngôn ngữ động nên tất nhiên sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc phát triển dự án, chẳng hạn như tốc độ tương đối nhanh và dễ dàng hơn. Còn C# do là một ngôn ngữ tĩnh nên nó sẽ cần nhiều bước build và biên dịch không cần thiết mà một số lập trình viên không được chuộng lắm. Vì như bạn biết đấy, mỗi một quá trình xây dựng sẽ tác động rất nhiều đến năng suất của nó
- Đối lập với C# vốn dĩ chỉ nằm trong vũ trụ Microsoft (mãi đến năm 2017 mới thực sự trở thành ngôn ngữ mã nguồn mở), thì Python lại có tất cả những điều đó và trở nên nổi tiếng với người dùng chỉ sau vài ngày ra mắt. Bên cạnh đó, Python cũng có cộng đồng lập trình viên lớn hơn rất nhiều so với C#, với số lượng người đóng góp lớn thứ 3 trên Github trong khi với C# lại chỉ đứng thứ 8.
- Không giống với C# dựa trên 100% concept OOP, thì Python còn hỗ trợ thêm nhiều mô hình lập trình khác nữa như (lập trình thủ tục, lập trình hàm, v.v…)
- Có thể được tích hợp với các ngôn ngữ khác Java (JVM), .NET, C và cả Javascript trong khi C# chỉ có thể được hỗ trợ trên framework .NET (và với mình thì đây là nhược điểm lớn nhất mà C# có) cũng như những nền tảng khác sử dụng module của bên thứ ba đến từ Package Python Index (PyPI).
- Để có thể viết được C#, lập trình viên cần phải am hiểu về việc sử dụng một số tool đặc biệt như Visual Studio .NET, Far, Redgate .NET Reflector, IIS, và các plugin khác trong khi các lập trình viên Python thì lại có thể tận dụng các công cụ phát triển tương đối đơn giản hơn.
- Cú pháp của Python khá đơn giản và không đòi hỏi ở một người mới quá nhiều thời gian để làm quen, trong khi đối với C# thì bạn không thể viết ra một chương trình mà chẳng biết gì về việc biên dịch, namespace, class hay các phương thức của nó, v.v…
- Với Python thì bạn không cần phải khai báo biến vì nó đã có cơ chế dynamic typecasting (tức là nếu bạn gọi một biến nào đó trong Python, nó sẽ hình dung ra được biến đó tại thời điểm runtime), trong khi làm việc với C# thì trình biên dịch chắc chắn sẽ réo tên bạn và đưa ra hàng tá lỗi nếu typecasting có vấn đề, và với nó thì tất cả các kiểu dữ liệu cần phải được biết trước thời điểm runtime.
- Khi phát triển game engines thì C# có thể nhanh, nhưng tốc độ của nó lại không thể đánh bại được tốc độ phát triển siêu xịn sò đến từ Python.
- Sở hữu kho thư viện package khổng lồ đa xì năng, rất nhiều code có thể được tái sử dụng để giúp cho các developer làm việc dễ dàng hơn. Thực ra thì các thư viện của C# cũng ngon lành cành đào đấy, nhưng nó không đa dạng và phong phú bằng của Python thôi.
- Bạn cũng có thể ứng dụng C# vào machine learning, nhưng điều đó có vẻ khá khó khăn so với việc dùng Python như việc bạn nấu một gói mì ăn liền với những gia vị đã có sẵn.
Nhược điểm của Python so với C#:
- Python có một nhược điểm khá lớn khi lập trình so với C#, đó là bởi chính cơ chế Global Interpreter Lock (GIL) của mình nên việc sử dụng đa luồng đòi hỏi đa tiến trình. Trong khi với C# thì chuyện này dễ như ăn cháo nhờ sử dụng .NET framework
- Nhờ có sự hỗ trợ của framework Common Language Infrastructure mà C# có thể chạy nhanh và có hiệu suất cao hơn so với Python gấp 44 lần. Có thể C# khiến bạn mất khá nhiều thời gian cho việc viết code nhưng lại giúp bạn trải nghiệm tốt hơn khi chạy ứng dụng.
- Nếu bạn là một người đã từng có kinh nghiệm với Java hay C/C++ thì nhảy sang làm việc với C# sẽ nhanh hơn, bởi vì C# được tích hợp rât sâu với framework .NET khi làm việc và phát triển những ứng dụng trên nền tảng Microsoft.
Túm cái quần lại, sau một hồi nêu ra một vài ưu và nhược điểm của python so với C# thì chắc bạn cũng có thể thấy cùng là ngôn ngữ OOP, nhưng ở Python vẫn tiện và dễ sử dụng hơn C# rất nhiều. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những thứ mà Python làm được thì C# cũng có thể làm được, và trong hầu hết các trường hợp thì C# vẫn nhanh hơn tại thời điểm runtime so với Python. Nói chung thì ở bất cứ ngôn ngữ lập trình nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của nó.
Tạm kết
Hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có thể hiểu hơn về ưu và nhược điểm của Python so với C# và Java cũng như tìm ra câu trả lời phù hợp cho việc tìm ngôn ngữ nào để học cho các dự án sắp tới và công việc của mình.